"Một ngày của bé" ở trường mầm non như thế nào? Các con
đến trường được các cô tổ chức các hoạt động gì? Xin mời các bậc phụ huynh cùng
đón xem nhé!
Phụ huynh thân mến!
Thực hiện chương
trình chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các
bé đến trường, được tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, ăn, ngủ theo một
chế độ sinh hoạt khoa học, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của từng độ
tuổi. Sau đây, trường Mẫu giáo Tân Dân xin được chia sẻ các hoạt động "Một
ngày của bé" trong trường mầm non, để các bậc phụ huynh thấy được các con
đã được học tập, vui chơi, ăn, ngủ, nề nếp và khoa học như thế nào? qua đó phụ
huynh sẻ chia và đồng cảm cùng với các cô để chăm sóc trẻ tốt hơn nhé. Xin mời
các bậc phụ huynh của trường cùng dành thời gian quan tâm đến chế độ sinh hoạt
một ngày của con ở trường.
Để làm được tốt
công việc 01 ngày ở trường với 30 đến 35 trẻ trên một lớp, điều đầu tiên cần ở
cô giáo mầm non đó là tình yêu nghề, tâm huyết với công việc, tình yêu thương
trẻ, thật sự coi các con như chính những đứa con của mình ở nhà. Một ngày ở
trường các bé được tham gia những hoạt động sau:
1. Đón
trẻ:
Vào mỗi buổi sáng, bé được ông, bà, bố, mẹ đưa đến trường cùng các cô các bạn.
Thời điểm này phụ huynh trao đổi với giáo viên tình hình sức khỏe của
trẻ ở nhà và những nội dung khác cần quan tâm, qua đó phụ huynh và giáo viên
cùng thống nhất quan điểm, biện pháp chăm sóc trẻ tốt nhất và đây cũng là thời
điểm rèn kỹ năng lễ phép cho trẻ.
2. Thể
dục sáng: Thể
dục buổi sáng ở trường là hoạt động không thể thiếu được. Các bé được luyện tập
những bài tập nhẹ nhàng theo bài tập phát triển chung, giúp trẻ khởi động, lấy
lại tinh thần vui vẻ phấn khởi, tràn đầy năng lượng chuẩn bị cho một ngày mới
hoạt động ở trường.
3. Hoạt
động học: Đây
là thời điểm quan trọng nhất trong một ngày hoạt động của trẻ ở trường, Thông
qua các hoạt động "Học băng chơi, chơi mà học", giáo viên đã cung cấp
cho trẻ những kiến thức mới về môn học phù hợp với từng độ tuổi:
* Đối
với trẻ mẫu giáo gồm có các hoạt động: Hoạt động Làm quen với toán; làm quen
với văn học với những câu truyện, bài thơ. Hoạt động tạo hình: vẽ, nặn, xé dán,
tô màu…Hoạt động âm nhạc như múa, hát, biểu diễn văn nghệ...Hoạt động thể dục
và hoạt động khám phá khoa học, khám phá xã hội. Riêng đối với trẻ 5-6 tuổi có
hoạt động Làm quen với chữ cái với 29 chữ cái đầu tiên, tạo tâm thế cho trẻ vào
lớp một trường tiểu học.
* Đối với trẻ nhà trẻ (24-36 tháng tuổi) gồm có: Hoạt động tạo hình, âm nhạc,
thể dục, văn học, nhận biết...
4. Hoạt
động ngoài trời: Là
hoạt động giúp trẻ thay đổi môi trường hoạt động, nội dung hoạt động giữa động
và tĩnh. Hoạt động này giáo viên tổ chức cho trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên,
rèn luyện sức khỏe, thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với môi trường xung quanh;
góp phần mở rộng vốn hiểu biết của trẻ với môi trường tự nhiên – xã hội. Thỏa
mãn nhu cầu chơi và hoạt động theo ý thích của trẻ.
5. Hoạt động góc (Đối với
trẻ MG) Hoạt động chơi tập (Đối với trẻ nhà trẻ):
Đây là hoạt động giúp trẻ hình thành các kỹ năng
xã hội ngay từ tuổi mầm non. Thông qua các trò chơi, trẻ thỏa sức sáng
tạo và bộc lộ những cảm xúc của trẻ. trên cơ sở đó giáo viên là người hướng
dẫn, giúp đỡ để trẻ hoàn thiện tích cực nhất: Ví dụ như: Trẻ được đóng các vai
cô giáo, ông, bà, bố, mẹ, người bán hàng, người mua hàng, bác sỹ, kỹ sư xây
dựng… (góc phân vai).
Giáo
viên tạo điều kiện khuyến khích trẻ tham gia vào các nhóm chơi, các hoạt động
theo ý thích mang tính chất sáng tạo tại các góc như: Góc khám phá (Gồm các nội
dung về Toán, khám phá xã hội, khám phá khoa học). Góc Tạo hình (vẽ, nặn, xé,
dán, tô màu...). Nội dung chơi ở thời điểm này gắn với chủ đề trẻ đã có khả
năng tự phục vụ, kỹ năng chơi và hoạt động tập thể theo mục đích chung.
6. Hoạt động vệ sinh : Đây là hoạt động giúp
bé được rèn luyện các kỹ năng vệ sinh cá nhân, lao động tự phục vụ.
7. Giờ ăn trưa;
Sau các hoạt động học tập,
vui chơi. Các bé được cung cấp bổ sung lượng Calo cần thiết cho cơ thể phát
triển một cách tốt nhất. Bé được ăn theo thực đơn đảm bảo cân đối 4 nhóm thực
phẩm và được thay đổi theo tuần chẵn, tuần lẻ, theo mùa.
8. Giờ ngủ trưa
Sau khi
ăn trưa, các bé vệ sinh cá nhân và ngủ trưa. Các bé được ngủ trên giường có
khoảng cách ngủ đúng theo quy định, có đủ gối, chăn ấm vào mùa đông, quạt mát
vào mùa hè và có cả máy điều hòa nữa nhé. Đặc biệt, bé được sự hướng dẫn, chăm
sóc tận tình của các cô giáo; được nghe những làn điệu hát ru ngọt ngào,
những cử chỉ âu yếm của cô, đã đưa bé vào giấc ngủ thật sâu.
9. Bé
ăn bữa phụ:
Sau
giấc ngủ trưa, khoảng 13h30 phút. Cô giáo đã báo thức cho bé dậy, hướng dẫn cho
bé làm vệ sinh cá nhân và sau đó thì bé được ăn phụ theo thực đơn với những món
nhẹ nhàng đó là: chuối, dưa hấu, sữa, cháo, bún…
10.
Hoạt động buổi chiều sinh động của bé:
Là các hoạt động được giáo viên xây dựng, với những bài học
ôn tập hay những bài học rèn kỹ năng cho trẻ. Bằng các hình thức,
cô cho bé được hoạt động, vui chơi theo ý thích, qua đó cô đã hướng dẫn cho bé
phát huy được khả năng mạnh dạn, sáng tạo, đoàn kết, quí mến nhau và cũng đã
giúp bé bộc lộ được những năng khiếu của mình.
11. Bé chuẩn bị về nhà.
Trước khi về, bé được trò chuyện cùng cô, được cô nhận xét, nêu các gương tốt
trong ngày, tạo tâm trạng thoải mái, vui vẻ, có những ấn tượng tốt với lớp, với
cô, với bạn. Để rồi hôm sau, bé lại thích tới lớp, tới trường. Trong thời gian
chờ phụ huynh đến đón về, bé được tham gia các hoạt động như vệ sinh cá
nhân, đọc thơ, xem tranh, chơi các trò chơi dân gian... Cô giáo cũng có những
thông tin cần thiết, trao đổi cùng phụ huynh khi bé được đón về nhà.
Nhìn vào chế độ sinh hoạt một ngày của bé, với
những công việc tưởng như khá đơn giản nhưng thực tế để làm tốt được công việc
đó các cô giáo của trường Mẫu giáo Tân Dân phải làm tốt vai trò: “Người mẹ
hiền - Cô giáo giỏi - Thầy thuốc tốt-Nghệ sỹ tài năng”. Không thể phủ nhận rằng
những cô giáo mầm non là những người đa tài nhất và kiên nhẫn nhất”!
Trân trọng !